Cách tính thuế GTGT và thuế TNCN đối với hộ kinh doanh
Hộ kinh doanh không phải là một loại hình doanh nghiệp mà cá nhân có quyền quyết định về mọi hoạt động kinh doanh đối với hộ. Tuy nhiên hộ kinh doanh cũng phải nộp thuế và kê khai thuế như đối với các DN để báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh. Ngoài việc quan tâm đến thông báo phát hành hóa đơn điện tử lần đầu, thuế môn bài, thuế khoán của hộ kinh doanh, nhiều cá nhân còn vướng mắc ở khâu tính, kê khai thuế GTGT và thuế TNCN của hộ kinh doanh. Bài viết này sẽ giải đáp giúp các bạn.
1. Nguyên tắc tính thuế GTGT, thuế TNCN đối với hộ kinh doanh
– Nếu cá nhân kinh doanh có doanh thu tính thuế từ 100 triệu/năm trở xuống thì không phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.
– Đối với cá nhân nộp thuế khoán thì mức doanh thu 100 triệu/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế GTGT, thuế TNCN là doanh thu tính thuế TNCN của năm.
– Cá nhân nộp thuế khoán kinh doanh không trọn năm gồm: cá nhân mới ra kinh doanh, cá nhân kinh doanh thường xuyên theo thời vụ, cá nhân ngừng/nghỉ kinh doanh thì mức doanh thu 100 triệu/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế là doanh thu tính thuế TNCN của một năm.
– Nếu cá nhân nộp thuế khoán đã được cơ quan thuế thông báo số thuế khoán phải nộp mà kinh doanh không trọn năm thì cá nhân được giảm thuế khoán phải nộp tương ứng với số tháng ngừng/nghỉ kinh doanh trong năm.
– Đối với cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức 100 triệu đồng/năm doanh thu trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế GTGT, TNCN được xác định cho một người đại diện duy nhất trong năm tính thuế.
2. Cách tính thuế GTGT và thuế TNCN dành cho hộ kinh doanh
Căn cứ tính thuế đối với cá nhân nộp thuế khoán là doanh thu tính thuế và tỷ lệ % thuế tính trên doanh thu:
Thuế GTGT hộ kinh doanh phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ % thuế GTGT
Thuế TNCN hộ kinh doanh cần nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ % thuế TNCN
Trong đó, doanh thu tính thuế được xác định như sau:
– Doanh thu tính thuế GTGT và TNCN là doanh thu bao gồm thuế (với trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Nếu hộ kinh doanh có sử dụng hóa đơn bán hàng mua của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được tính là doanh thu khoán cộng với doanh thu trên hóa đơn.
– Nếu cá nhân kinh doanh không tính được doanh thu tính thuế khoán hoặc xác định không phù hợp với thực tế thì cơ quan thuế có thẩm quyền sẽ ấn định doanh thu tính thuế khoán theo quy định.
Tỷ lệ % thuế tính trên doanh thu khoán cá nhân có thể tham khảo tại Danh mục ngành nghề tính thuế GTGT, thuế TNCN theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với cá nhân kinh doanh được ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.
3 lưu ý quan trọng khi sử dụng hóa đơn điện tử và hóa đơn giấy song song
Đơn vị sự nghiệp công lập kê khai thuế TNDN phát sinh như thế nào?
3. Thời điểm xác định doanh thu tính thuế
– Đối với doanh thu tính thuế khoán thì thời điểm cá nhân thực hiện việc xác định doanh thu là từ ngày 20/11 đến ngày 15/12 của năm trước năm tính thuế.
– Cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán mới ra kinh doanh hoặc cá nhân thay đổi quy mô, ngành nghề kinh doanh thì thời điểm thực hiện việc xác định doanh thu tính thuế khoán của năm là trong vòng 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh.
Trường hợp doanh thu theo hóa đơn thì thời điểm xác định doanh thu tính thuế thực hiện cụ thể như sau:
– Hoạt động bán hàng hóa: thời điểm tính thuế là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc thời điểm lập hóa đơn bán hàng (nếu hóa đơn được lập trước khi chuyển giao quyền sở hữu, sử dụng hàng hóa).
– Hoạt động vận tải, cung ứng dịch vụ: là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn (nếu hóa đơn được lập trước khi hoàn thành cung ứng dịch vụ).
– Hoạt động xây dựng, lắp đặt: là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành.